Năm ấy mình học lớp 11. Một buổi chiều vừa đá bóng xong thì anh Bành bưu tá đạp xe đi qua. Mình hỏi có thư từ chi không anh Bành. Anh Bành nói thư thì không, nhưng hôm trước tau vừa đọc được truyện ngắn đề tên mi trên báo Tiền phong”.
Mình bá cổ anh Bành hét um lên: “Thật a? Thật a?”. Anh Bành bảo thật đo rồi cong đít đạp xe đi mất. Lúc ấy tự nhiên thấy trời đất như quay cuồng trước mặt. Tim đập dồn dập trong lồng ngực. Mình lịm người mất một lúc vì bất ngờ, vui sướng và cả hãnh diện nữa.
Trên đường về, đạp xe qua nhà em Dung, thấy nó đang quét lá trước ngõ, mình phanh xe cái két, vừa thở hồng hộc vừa lắp bắp: “Biết… tin chi chưa?” Em Dung lắc đầu hỏi:
“Tối qua ăn được con chi à? Lô hay đề?”
Mình cau mặt nói không, anh vừa có tác phẩm được đăng trên báo Tiền phong. Em Dung trố mắt reo lên: “Thật à? Trời ơi, tài rứa! Chúc mừng nhà văn tương lai nha!”
Vừa lúc thấy mẹ Dung cầm liềm đi ra, mình làm bộ tỉnh bơ, nói thật to:
“Ừ thì mình cũng viết cho vui rứa thôi, không ngờ ban biên tập báo Tiền phong họ chọn đăng”.
Mình cố nhấn mạnh vào mấy chữ “ban biên tập báo Tiền phong” cốt cho mẹ em Dung nghe thấy. Mẹ Dung hỏi chi rứa. Dung khoe: “Anh Hà vừa có tác phẩm đăng báo mẹ ạ!”. Đoạn quay sang mình bảo: “Khi mô cầm báo lại cho em đọc coi răng nha nhà văn”. Mình nói ừ – lạnh lẽo đúng như phong cách một người nổi tiếng, rồi trèo lên quả xe Thống Nhất khung nam đạp thẳng về nhà.
Thấy bố đang lùa vịt vào chuồng, mình nhảy xuống khoe:
“Con vừa có bài đăng báo”.
Ông bỏ đàn vịt đó, chạy lại hỏi:
“Thật à? Rứa báo mô rồi?”
Mình bảo con mới nghe tay Bành mách, để mai ra bưu điện xem còn tờ đó không.
Đêm đó mẹ mình luộc nồi khoai, om ấm chè chát. Mọi người đến chơi rất đông. Bác cả là giáo viên về hưu, rít xong bi thuốc lào, chậm rãi nói:
“Mặc dù chưa được đọc truyện của hắn, nhưng tui tin chắc rằng đó là một tác phẩm mới lạ, sâu sắc và mang đầy tính nhân văn. Bởi vì thằng ni tui biết chớ (quay sang nhìn mình), tuy nhiều lúc nghịch ngợm mất dạy rứa thôi nhưng từ năm lớp 4 hắn đã lọt vô đội tuyển học sinh giỏi văn của huyện rồi, chứng tỏ không hề đơn giản mô”.
Bà dì vừa bóc vỏ khoai vừa nói:
“Công nhận hắn giỏi, có bữa tui chứng kiến hắn chửi nhau tay đôi với con mụ đồng nát suốt nửa tiếng đồng hồ vì mụ cân sai của hắn mấy yến sắt vụn. Không có năng khiếu văn chương thì mần răng mà chửi dai, chửi điêu được như rứa!”
Mẹ mình nghe xong mặt nghệt ra, không biết dì khen hay chê nữa.
Mọi người ăn khoai, trò chuyện, chúc mừng râm ran đến tận khuya mới tan cuộc. Cả đêm đó mình gần như không ngủ vì hồi hộp, chỉ mong trời sáng mau mau.
Sáng hôm đó mình đạp xe ra bưu điện sớm. Ngồi đợi một lúc cửa sắt mới lẹt kẹt hé ra. Cầm trên tay tờ Tiền phong mới toanh, thơm phức mùi mực, nước mắt chợt ứa ra. Trong giây phút lâng lâng, mình xúc động đút tọt tờ báo vào sau lưng áo rồi đạp xe thằng đến trường.
Giờ nghỉ giải lao, mình chạy lại lớp 10C gọi em Dung ra khoe. Mình muốn dành sự bất ngờ và đặc biệt nhất cho em Dung.
Nó và đám bạn lật từng tờ báo để tìm tên tác giả. Em Dung tìm mãi không thấy, quay lên hỏi: “Tác phẩm của anh tên là chi?”. Mình nói không biết, vì gửi một lúc cả đống bài, không rõ ban biên tập họ đăng truyện chi.
Giở đi giở lại, tìm nát mười mấy trang báo vẫn không thấy tác phẩm của mình đâu, mặt mình bắt đầu nóng bừng. Lạ nhỉ! Thường thì truyện ngắn sẽ được đăng trên 8, ở chuyên mục “Tác phẩm tuổi xanh”. Hay là tay Bành bưu tá lừa mình? Không thể thế được. Vô lý! Hoàn toàn vô lý!
Đang chửi thầm tiên sư thằng Bành, chợt em Dung reo lên: “Đây rồi!”
Mình nhìn theo ngón tay em ấy chỉ, thì thấy bên dưới mẩu truyện cười bé bằng nửa bao diêm có ghi tên mình, kèm địa chỉ lớp 11B, THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh, hẳn hoi.
Gọi là truyện nhưng vẻn vẹn mấy chục chữ, nguyên văn:
“Nước cứng.
Trong giờ hóa học, thầy giáo hỏi cả lớp:
– Ai cho thầy biết nước cứng là nước gì được không?
An đứng lên trả lời:
-Thưa thầy! Nước cứng là nước… đá ở trong tủ lạnh ạ!
Cả lớp cười vang”.
Em Dung hụt hẫng hỏi:
“Có ai thấy hài hước không?”
Một đứa khác nói:
“Chắc lát nữa về nhà mới thấy buồn cười!”
Mình rất điên. Lại xấu hổ nữa. Chửi um lên:
“Thật ra truyện của anh rất dài! Nhưng bọn ban biên tập chúng nó cắt gọt, chỉnh sửa gần hết nên đọc lên nó không ra được cái chất anh hùng ca của tác phẩm, các em hiểu không!”
Em Dung nói, anh phải kiện lên Hội nhà văn Việt Nam về hành vi làm nhục tác giả, Mình bảo ừ, nhất định anh không bỏ qua chuyện này. Cả tác phẩm tâm huyết của người ta chứ đùa đâu!
Mình gập tờ báo lại, đút túi quần rồi lủi thủi về lớp.
Trưa tan học. Về nhà, bác cả hỏi tác phẩm mô rồi, đem bác đọc cái. Mình lí nhí nói: “Báo có bài cháu nên họ m.ua hết sạch, không còn tờ nào”. Rồi nằm vật ra giường. Trưa đó mình bỏ luôn cơm.