Home » Posts tagged 'truyện cười xả stress' (Page 2)

Tag Archives: truyện cười xả stress

Thầy đồ liếm mật

Một thầy đồ nọ ngồi ở nhà kia dạy trẻ học. Buổi chiều, chủ nhà đem mời thầy ăn một đĩa bánh rán mật. Ăn hết bánh mà thấy trên đĩa còn dính nhiều mật, thầy rất muốn ăn nốt nhưng chả lẽ trước mặt các học trò mà lại thè lưỡi liếm mật thì coi sao tiện. Thầy nghĩ ra một kế, bèn dõng dạc bảo các học trò:

– Nào! Bây giờ ta cho các con một chữ này nếu không ai nói được thì đánh đòn.

Nói rồi thầy ung dung liếm ngang đĩa mật một đường, rồi giơ đĩa lên hỏi:

– Chữ này là chữ gì?

Các trò ngơ ngác nhìn nhau, buồn cười mà không dám hở môi. Thầy quát:

– Chữ “Nhất” mà cũng không biết. Thật là dốt quá! Thầy lại liếm dọc một đường từ dưới lên rồi hỏi:

– Thế chữ này là chữ gì?

Học trò lại ngơ ngác. Thầy quát:

– Đúng là một lũ cơm toi! Chữ “Thập” mà không đứa nào biết cả!

Thầy liếc sang đĩa thấy vẫn còn nhiều mật, tiếc quá mới liếm một vòng quanh đĩa, rồi hỏi rằng:

– Bây giờ thì đứa nào không nói được đây là chữ gì tao tuốt xương ra

Cả đám học trò ngồi im thít. Thầy quát rồi đánh đét xuống chiếu một tiếng mà rằng:

– Chữ “Điền” mà không đứa nào biết. Thật là ngu như lợn.

Để tráp lại vậy

Có một thầy đồ dạy học trò ở nhà kia. Hôm ấy, nhà có giỗ, cỗ bàn, chè cháo bày ra la liệt trên bàn. Thầy rất thích ăn chè, mới ăn vụng một lúc hai bát. Chủ nhà trông thấy không nói gì vì sợ thầy ngượng.

Chẳng may thầy ăn phải bát chè có ruồi chết, đêm đến đau bụng cố nhịn vì sợ chó dữ nhưng đến khuya không chịu được, bí quá đành phải tương ngay vào cái tráp luôn mang bên mình.

Sáng dậy trời còn mờ mờ, thầy ôm cái tráp mang ra đồng để đổ cái của nợ đi cho mất tích. Ra đến cửa thì bị ông chủ nhà đón lại, chủ sợ thầy ngượng vì chuyện ăn vụng chè nên tìm đi nơi khác, bèn cố níu lại khẩn khoản:

– Xin thầy ở lại, đừng đi. Có việc gì đâu mà thầy phải làm thế…

Thầy vội nói:

– Không, không có việc gì đâu. Tôi ra đây một lát rồi về ngay.

Tưởng thầy nói dối, chủ nhà càng kéo co tợn:

– Thầy đừng đi. Thầy bảo đi về ngay mà còn mang tráp theo làm gì. Nếu vậy thì thầy để tráp lại đây vậy!

Nói rồi, tay giằng lấy cái tráp. Thầy đồ càng hoảng, kéo tráp về, chủ nhà quyết không buông. Hai bên co kéo nhau, thầy kéo được nhưng mạnh quá, mất đà ngã lẩn, làm cái tráp văng ra ngoài cứt bắn ra tung toé.

Tại thầy không hỏi

Có một thầy đồ tính rất hay sĩ diện. Một hôm, có người mời thầy sang nhà chơi. Khi đi thầy cho một học trò theo hầu. Thầy đến, chủ nhà ân cần hỏi han:

– Thầy đi đường xa mỏi mệt, chúng tôi lấy làm ái ngại quá!

Thầy mệt nhưng vẫn nói sĩ:

– Từ nhà sang đây, đi xe thì có gì là nhọc nhằn!

Học trò nhìn thầy như tiếc rẻ nói:

– Giá như lúc ấy, thầy giả thêm cho nó một xu thì ta đến đây còn sớm và không mệt hơn nhiều.

Thầy xầm mặt lại, anh đày tớ biết mình lỡ lời, còn chủ nhà thì tủm tỉm cười. Về nhà thầy mắng:

– Ai cho phép mày chõ mồm vào? Từ giờ trở đi nếu tao không hỏi mà mở mồm ra thì chỉ có chết nghe chưa.

Đọc Tiếp…

Bánh tao đâu ?

Một thầy đồ nọ được người ta mời đi ăn cỗ. Thầy cho cậu học trò nhỏ theo hầu. Ăn xong, chủ nhà mang bánh ra tráng miệng, còn thừa vài chiếc. Thầy rất muốn lấy đưa về nhưng sợ mọi người nhìn thấy, mất thể diện. Chợt nghĩ ra một cách, thầy cầm mấy cái bánh thản nhiên đưa cho cậu học trò bảo:

– Này, con cầm lấy.

Rồi nháy mắt ra hiệu, ý bảo cất đi đem về cho thầy. Học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy của thầy, bèn cầm lấy ăn kỳ hết.

Thấy thế, thầy giận lắm nhưng trước đông đủ mọi người không làm sao được. Chiều về, thầy vẫn còn tiếc, kiếm cớ trả thù trò. Lúc hai thầy trò đi cùng hàng, thầy mắng:

– Mày bằng vai phải lứa với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?

Cậu học trò sợ, đi tụt lại đằng sau. Thầy lại quát:

– Mày đi cứ như áp giải tao là thằng tù thế hả?

Trò vội vàng chạy lên phía trước, thầy lại mắng:

– Mày có phải là bố tao đâu mà đi đằng trước.

Cậu học trò ngơ ngác quay lại thưa:

– Con đi như thế nào cũng bị thầy mắng cả. Thầy bảo con phải biết làm sao ạ?

Thầy trừng mắt, quát:

– Thế bánh của tao đâu?

Ngửi văn

Có một người nọ bị mù hai mắt từ nhỏ nhưng lại có tài ngửi văn chương. Văn hay văn dở chỉ ngửi là biết ngay. Một văn nhân nọ vốn là người tự phụ, cho rằng trên đời này chưa ai hiểu được văn chương của mình. Một hôm văn nhân mang tập văn của mình đến thử tài anh chàng có tài ngửi văn chương. Văn nhân đưa bộ Tây sương ký ra, anh ta lật qua mấy trang đưa lên mũi ngửi rồi bảo:

– Đây là Tây sương ký.

Nhà văn hỏi:

– Sao biết?

Anh ta đáp:

– Ngửi thấy mùi son phấn.

Nhà văn lại đưa bộ Tam Quốc ra, anh ta đưa lên mũi rồi bảo:

– Tam Quốc chí đây mà. Sặc mùi binh đao, chiến trận.

Văn nhân nọ phục lắm, bấy giờ mới đưa tập văn của mình ra để được khen thoả đáng. Anh ta đưa lên gần mũi, ngửi một cái rồi bảo:

– Đây là văn của ông chứ gì?

Văn nhân sung sướng hỏi:

– Làm sao ông biết?

– Ngửi thấy có mùi thum thủm.

Văn hay

Một văn nhân đang cặm cụi viết bài. Bà vợ đi đến bên cạnh hỏi:

– Sao ông không lấy giấy khổ to mà viết?

Văn nhân lấy làm đắc chí lắm, cho là vợ khen tài văn chương của mình, ý tứ dồi dào, giấy khổ nhỏ không đủ chép. Nhưng cũng hỏi lại, mong được khen thêm vài lời?

– Mình nói vậy là thế nào?

Bà vợ thong thả nói:

– Ông viết giấy khổ nhỏ chẳng dùng được việc gì cả, còn giấy khổ to thì lúc bỏ đi còn gói hàng được.

Chết nhầm

Có một thầy đồ dạy học ở nhà nọ. Vợ chủ nhà ốm nặng, chẳng may qua đời. Chủ nhà nhờ thầy làm cho một bài văn tế. Thấy nghĩ mãi không ra, bí quá mới đem chép bài văn tế bố mình chết năm ngoái đưa ra. Lúc đọc, mọi người cười ầm lên, chủ nhà trách:

– Thầy làm sao lại nhầm lẫn như thế chứ?

Thầy trừng mắt, nói:

– Đây là bài văn tế người chết hẳn hoi. Nhầm là nhầm thế quái nào được. Hoạ chăng… người nhà ông chết nhầm ấy.

Thầy đồ hà tiện

Có một thầy đồ tính tình rất hà tiện. Một hôm nhà có giỗ, thầy sai trò đi mua một cái bánh đa về cúng. Trò đi chợ, một lúc thì về, trên tay cầm cái bánh đa và một con gà.

Thầy thấy vậy xót của quát:

– Tao dặn mua một chiếc bánh đa thôi, sao mày hoang phí mua thêm cả một con gà gì thế kia?

Trò lễ phép thưa:

– Thưa thầy, đồ cúng xong thì thầy trò ta hưởng lộc. Mà ăn bánh thì nhất định vương vãi, con mua thêm con gà để nó nhặt bánh đa rơi cho khỏi lãng phí ạ.

Nghe thế, thầy nói:

– Con học ta chưa lâu mà khá hơn thầy rồi.

Thầy không bằng con

Có một thầy đồ lười khắp vùng đều biết nên chẳng ai cho con theo học. Thế mà một ngày, có một anh chàng mang trầu cau đến xin học. Thầy bảo:

– Nhà không có án thư, con hãy đi xem nhà nào có thì mượn tạm về đây để ta làm lễ Đức thánh Khổng Tử.

Trò vội trả lời:

– Thưa thầy, mượn rồi lại phải mang trả lôi thôi. Chi bằng con cúi khom lưng làm án thư, thầy đặt trầu cau lên đấy rồi làm lễ cũng được.

Thầy nghe thế, chắp tay vái dài:

– Thầy cũng vẫn chưa bằng được con! Con còn học thầy làm gì nữa.

Thầy chúng mày nói dối

Có một thầy đồ lười dạy học, hay ngủ ngày, nhưng bắt trò phải ngồi xem sách, hễ ngủ thì bị phạt đánh. Học trò thấy thế lấy làm tức lắm, mới hỏi:

– Chúng con học chữ của thầy thì cũng phải học cả tính nết của thầy. Sao con lại không được phép học tính ngủ ngày của thầy ạ?

Thầy bí quá nói liều:

– Ta đâu có được ngủ ngày. Những lúc ấy là ta chiêm bao đi gặp các ông Chu Công và Khổng Tử để đàm đạo ấy chứ.

Một buổi, thầy ngủ ngày, trò cũng ngủ. Thầy dậy trước thấy vậy liền gọi học trò dậy và quát mắng:

– Chúng mày thật lười biếng, sao dám bỏ học mà ngủ ngày?

Trò lễ phép thưa:

– Dạ, thưa thầy! Chúng con không ngủ ạ! Chúng con chiêm bao như thầy để được ra mắt ông Chu Công và Khổng Tử đấy ạ!

Đọc Tiếp…

doc truyen cuoi doc truyen cuoi doc truyen cuoi


Liên Kết Bạn Bè

Quảng Cáo